Sinh viên có sản phẩm thương mại hóa, bước đột phá trong nghiên cứu khoa học
NGUYỄN XUÂN THÊM
Thứ Ba,
30/11/2021
Đã từ lâu, hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học từ sự hướng dẫn, hỗ trợ của giảng viên không còn xa lạ tại các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành kỹ thuật. Nhưng số lượng sinh viên khi vẫn ngồi trên giảng đường đã tự lên ý tưởng, tự nghiên cứu, không cần sự hỗ trợ của giảng viên và chế tạo ra những sản phẩm ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn cũng như được doanh nghiệp đặt hàng thì không có nhiều.
Đối với những sinh viên có niềm đam mê với nghiên cứu khoa học, các bạn thường tham gia nhiều sân chơi để vừa được thể hiện tài năng của bản thân, vừa được cọ sát cùng với nhiều đối thủ trường bạn. Tuy nhiên, để có đủ tự tin tham gia các sân chơi như robocon, sáng tạo trẻ sinh viên, hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học,… thì hầu hết sinh viên đều cần đến sự giúp đỡ của giảng viên. Đơn cử như báo cáo tốt nghiệp, sinh viên cũng thường làm theo nhóm nhỏ và được giảng viên hướng dẫn.
Ngoài ra, sự gắn kết giữa nhà trường (nơi đào tạo nguồn nhân lực) và doanh nghiệp (nơi sử dụng nguồn nhân lực) ngày càng được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp tìm đến trường đào tạo chuyên ngành về kỹ thuật để giải quyết bài toán mà họ đưa ra. Dĩ nhiên họ sẽ tìm đến giảng viên, bởi khi sinh viên vẫn đang đi học thì lượng kiến thức cũng như kinh nghiệm của các bạn không thể đáp ứng được nhu cầu mà doanh nghiệp đặt ra, có thể gây rủi ro cao về sản phẩm.
Cũng chính vì vậy, khi nhận đơn đặt hàng của các doanh nghiêp, giảng viên sẽ là người hướng dẫn và cho sinh viên tham gia cùng các dự án nhằm trau dồi thêm kiến thức, tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận với việc làm thực tiễn.
Do đó, để tìm ra được tài năng của sinh viên, đôi khi doanh nghiệp cũng nên đặt niềm tin và đầu tư mạo hiểm. Điển hình như sản phẩm “Robot vận chuyển đồ ăn tự động” của Phạm Lê Việt Anh – sinh viên năm cuối, Khoa Cơ điện tử, Viện Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN), sản phẩm được đặt hàng và hiện đang được ứng dụng tại một nhà hàng tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Nói về “Robot vận chuyển đồ ăn tự động”, đây là sản phẩm do Phạm Lê Việt Anh kết hợp cùng bạn học nghiên cứu chế tạo từ năm 2019 và hoàn thành trong vòng 3 tháng. Ý tưởng nghiên cứu sản phẩm xuất phát từ bài toán của một chủ nhà hàng tại Vĩnh Phúc, “Chủ nhà hàng muốn có một con robot có thể vận chuyển đồ ăn tự động từ trong bếp ra ngoài các bàn phục vụ cho khách”, Việt Anh cho biết.
Từ bài toán mà chủ nhà hàng đưa ra, Việt Anh đã nảy ra ý tưởng thiết kế robot di chuyển bằng bánh xe và chạy trên một cây cầu có đường kẻ sẵn. Sau khi lên ý tưởng thiết kế khung, cách thức di chuyển, cách thức hoạt động, Việt Anh thiết kế hệ thống, thiết kế cơ khí. Bạn còn lại gia công theo đúng hệ thống thiết kế và sau đó lập trình.
Sau quá trình nghiên cứu, 2 sinh viên đã đưa ra phiên bản 01 của Robot vận chuyển đồ ăn tự động sử dụng 2 ắc quy, 2 động cơ và chiều dài 50cm, robot có dò line nên sẽ di chuyển theo đường kẻ sẵn và trên lưng robot đặt được tối đa 2 khay thức ăn. Robot sẽ tự động nhận và di chuyển đến số bàn yêu cầu, sau khi khay thức ăn được nhấc hết ra rồi mới tự động đi về bếp. Bên trong robot có 01 con cảm biến tiệm cận, nó có chức năng đếm số cột mốc đi qua, tương ứng với số bàn.
Tuy nhiên, hoạt động khoảng 3 tháng, robot đã gặp trục trặc về cơ khí, “Vì là sinh viên nên kinh nghiệm không được cao cho nên cơ khí vẫn còn nhiều sai sót. Trước đó, trong quá trình nghiên cứu, cả hai phải thử nghiệm và cũng thất bại nhiều lần, sau đó dần dần thay đổi cơ cấu và thay các loại linh kiện phù hợp hơn”, Việt Anh chia sẻ.
Không dừng lại ở phiên bản 01, đầu năm 2020, Việt Anh cùng bạn học đã tiếp tục cho ra đời robot vận chuyển đồ ăn tự động phiên bản 2 với kết cấu tối giản. Phiên bản 2 với chiều dài 70cm nhưng chỉ còn 01 ắc quy và 01 động cơ, thêm hiệu ứng 2 đèn led ở trước giống xe ô tô. Khi chuẩn bị di chuyển, robot sẽ tự động bật đèn làm sáng cả cây cầu và khi chạy đến bàn cần phục vụ thì nó tự động tắt đèn đi giống như ô tô đang dừng xe. Phiên bản 2 kiểu dáng rất đẹp vì dùng công nghệ in 3D để in vỏ, kết hợp cùng đèn led và sản phẩm nhẹ nên hoạt động rất ổn định. Robot chỉ cần sạc một đêm và có thể hoạt động liên tục trong 2 ngày.
“Sản phẩm đã giảm được nhiều chi phí cho nhà hàng và có hiệu quả ổn định. Vì vậy, sau khi sản phẩm hoàn thành thì chủ cửa hàng rất hài lòng vì không phải thuê thêm nhân viên bê đồ”, Việt Anh cho biết.
Chia sẻ thêm về hướng phát triển của sản phẩm, Việt Anh cho biết thêm: Sản phẩm được bàn giao cho chủ nhà hàng với giá thành 12 triệu đồng. Với tính năng nổi trội của robot, trong tương lai, mình sẽ chế tạo nhiều sản phẩm tương tự để ứng dụng trong thực tiễn.
Từ sản phẩm của Việt Anh, hi vọng, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, sinh viên theo học chuyên ngành kỹ thuật tại Việt Nam sẽ tự tin hơn nữa để đưa ra nhiều ý tưởng nghiên cứu nhằm tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn.